Trang chủ Tin tức Khói bụi - Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí
Nhiều năm qua, ô nhiễm khói bụi đã trở thành nỗi ám ảnh đến sức khỏe và sinh hoạt thường nhật của mỗi người dân. “Ăn bụi, uống bụi, ngủ cũng bụi” vốn từ lâu đã không còn là vấn đề gì quá xa lạ với người dân Thủ đô.

Ở Hà Nội, những kết quả quan trắc cho thấy, nồng độ bụi khí những năm gần đây cao bất thường. Thời gian nắng nóng dài hơn hẳn, kéo theo là những ngày ô nhiễm nặng nề nhất về mùa khô. Bụi khí bắt đầu tăng cao từ chập tối cho đến 2 - 3 giờ sáng. Ô nhiễm bụi, riêng ở Hà Nội, ngoài ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người còn gây ra các thiệt hại to lớn khác như giảm năng suất cây trồng, ảnh hưởng tới hệ sinh thái, hư hỏng thiết bị, suy giảm tuổi thọ công trình và làm mất mỹ quan cơ sở hạ tầng. Các thiệt hại về kinh tế có thể lượng hóa bằng tiền với mức thiệt hại ước tính khoảng 200 - 500 tỷ đồng (12 - 31 triệu USD) một năm.

Khói bụi do quá trình đô thị hóa

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khói bụi tăng cao, nhưng theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là sự bố trí công nghiệp chưa hợp lý. Ngoài ra, tình trạng cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, đã dẫn đến tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông. Đặc biệt, còn nhiều phương tiện cũ nát lưu hành trên đường, dẫn đến tình trạng khói, bụi gây ô nhiễm môi trường ngày một nghiêm trọng.

Thêm vào đó, trên khắp địa bàn Hà Nội, luôn có hàng nghìn các công trường xây dựng lớn nhỏ đang thi công, hàng chục nghìn m2 đường bị đào bới mỗi tháng. Ở đâu có công trình xây dựng là ở đó có bụi. Nhìn các con phố khói bụi mù trời mà thấy sợ. Vì thế, đại đa số người dân khi đi xe máy ra đường từ hàng chục năm qua luôn phải dùng khẩu trang vì khói bụi quá nhiều.

Khói bụi do con người gây ra

Nhưng đôi khi, chính người dân lại là người gây ra tình trạng khói bụi, ảnh hưởng đến sức khỏe chính họ và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Cứ mỗi đợt hè sang, ở các vùng ngoại ô, người ta lại thấy cảnh người dân đốt rơm rạ. 

Đốt rơm rạ khiến Hà Nội mù khói

Ra ngoài đồng khói đã đành, ngồi đầu làng hóng mát cũng khói, ngồi trong nhà mở cửa cũng khói, khói tràn ngập khắp nơi. Đốt rơm, rạ chẳng những lãng phí nguồn nhiên nguyên liệu mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông (do khói làm cho tầm quan sát bị hạn chế). Theo các nhà khoa học, khói bụi khi đốt rơm, rạ làm ô nhiễm không khí, gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người. Trẻ em, người già, và người có bệnh hô hấp, bệnh mạn tính, dễ bị ảnh hưởng nhất. Ai cũng biết rằng, xã hội ngày càng phát triển, rơm rạ không còn là chất đốt chủ yếu ở nông thôn do các nhiên liệu khác thay thế như: điện, khí gas, than... nhưng không phải vì vậy mà người dân lại đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường như vậy được.

Hay khói bụi cũng do những thói quen ăn uống của người dân. Cứ mỗi chiều về, trên nhiều vỉa hè của các con phố, ta lại bắt gặp các biển quán ăn với các món nướng làm chủ đạo. Khói của các món nướng tỏa ra hòa vào làn khói xe, không gian xung quanh lại mịt mù trong khói.

Cứ tưởng tượng, mỗi chiều tan sở, ngã ba ngã tư bị kẹt xe với hàng trăm hàng nghìn xe máy, xe ô tô, xe bus... cùng giậm chân tại chỗ cùng xả khói, tiếng la hét, tiếng còi xe, tiếng đập thùng xe, chen chúc mà không sao thoát được. Chao ôi, đôi mắt ta cay xè vì khói.