Các nhà nghiên cứu tại 14 khu vực thuộc 9 nước - bao gồm Hàn Quốc và Canada - thu thập dữ liệu về nồng độ các hạt bụi siêu nhỏ trong khí quyển và mức độ phơi nhiễm không khí bẩn của các thai phụ. Phần lớn bụi siêu nhỏ phát sinh từ khói của phương tiện giao thông cơ giới và nhà máy.
Sau đó nhóm chuyên gia phân tích dữ liệu trong quá trình mang thai và sinh con của ba triệu phụ nữ tại 14 khu vực. Với số lượng ba triệu trường hợp, đây là nghiên cứu có quy mô lớn nhất về mối quan hệ giữa trọng lượng trẻ sơ sinh và ô nhiễm khí quyển, Livescience đưa tin.
Một nhóm phụ nữ đeo khẩu trang khi tập thể dục tại thành phố Bắc
Kinh, Trung Quốc để ngăn chặn không khí bẩn. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Kết quả phân tích cho thấy, nếu nồng độ hạt bụi siêu nhỏ tăng thêm 10 microgram trong mỗi m3 không khí, trọng lượng trẻ sơ sinh giảm 8,9 gram và nguy cơ nhẹ cân của trẻ tăng thêm 3%.
Những trẻ sơ sinh có trọng lượng thấp hơn mức tiêu chuẩn (được quy định theo thể trạng của người dân từng nước) đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hô hấp và rối loạn hành vi cao hơn so với những trẻ khác.
"Nghiên cứu này làm tăng niềm tin của chúng tôi về tác động của không khí bẩn đối với trọng lượng trẻ sơ sinh", Tracey Woodruff, chuyên gia về sức khỏe sinh sản của Đại học California tại Mỹ và là một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận rất có thể trọng lượng của trẻ sơ sinh còn phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng khác liên quan tới người mẹ - như thu nhập, trình độ học vấn, thói quen hút thuốc lá, mức độ vận động cơ thể hàng ngày.