Trong những ngày mùa đông giá rét, hệ thống điều hòa giúp tạo ra không khí trong phòng ấm áp và dễ chịu. Tương tự như vậy là khi bạn ở trong xe hơi, cơ quan hay phòng ngủ có điều hòa. Tuy nhiên, thực tế là số người bị cảm lạnh thời gian này lại nhiều hơn.
"Cơ thể chúng ta bị nuông chiều", Ulrich Betz, giám đốc Viện Phục hồi, ngăn ngừa, và điều trị cơ thể tại Trung tâm Y khoa Đại học Johannes Gutenberg (Đức) nhận định. "Qua thời gian, việc thiếu tiếp xúc với các kích thích tự nhiên sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch".
Betz đã so sánh việc này với việc các vận động viên vẫn phải "tự đày ải" mình trong các buổi luyện tập khắc nghiệt để nâng cao hoạt động của hệ miễn dịch.
"Cơ thể càng thường xuyên tiếp xúc với cái lạnh, thì khả năng bị cảm lạnh càng ít đi. Nói cách khác, cơ thể đã trở nên thích nghi".
Theo German press và China Daily, bác sĩ đồng thời là nhà tự nhiên học người Đức Georg Kruenitz thế kỷ 18 từng định nghĩa khái niệm "tôi luyện cơ thể", theo đó "tạo cho cơ thể thích nghi, nhờ thế sẽ chống chịu được các yếu tố và gian khổ bên ngoài, để cơ thể thậm chí còn không cảm thấy có các trở ngại đó".
Phương pháp tôi luyện bao gồm có tắm nắng, tắm nước lạnh, đi chân trần, tắm hơi, đã trở nên rất phát triển ở châu Âu và dần trở thành một phần của liệu pháp thiên nhiên. Giải thích về tác dụng này, các chuyên gia cho rằng đó là vì đối với cơ thể, trạng thái lạnh hoặc nóng đều là các stress. Ngay khi cơ thể nhận ra sự khác biệt giữa thân nhiệt và nhiệt độ bên ngoài, nó sẽ cố gắng kéo về mức bình thường.
"Điều này sẽ kích thích cho máu chảy mạnh và toàn bộ cơ thể trở nên hăng hái".
Kết quả của việc tôi luyện này là một cơ thể đầy sinh khí và vững vàng hơn.